Monday, April 4, 2016

Lần đầu tiên Việt Nam loan báo bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm Vịnh Bắc Bộ

Lần đầu tiên Việt Nam loan báo bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm Vịnh Bắc Bộ

mediaMột tàu hải cảnh Trung Quốc gần một tàu của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông ngày 14/05/2014.REUTERS/Nguyen Minh/Files
Bộ đội biên phòng Hải Phòng hôm 02/04/2016 loan báo đã bắt giữ một tàu chở dầu Trung Quốc chuyên tiếp nhiên liệu cho các tàu đánh cá trái phép xâm phạm vùng biển Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam bắt tàu Trung Quốc và thông báo công khai - một sự kiện đặc biệt nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi lâu nay ngư dân Việt hành nghề trên biển thường xuyên bị tàu Trung Quốc tấn công.
Chiếc tàu trên đây mang số hiệu 13056, có ba thuyền viên đều là người Trung Quốc, xuất phát từ đảo Hải Nam, chở theo trên 100.000 lít dầu DO. Tàu bị phát hiện vào chiều ngày 31/3 ở cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía tây nam huyện đảo Bạch Long Vĩ, có nghĩa là xâm nhập sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Báo chí trong nước cho biết thuyền trưởng là Đàm Thủy Dương ở Quảng Đông, khai nhận là đang làm nhiệm vụ tiếp tế dầu cho các tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trên vùng biển Việt Nam. Biên đội 1 thuộc Hải đội 2 của Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã dẫn giải chiếc tàu này về bến Bạch Đằng để tiếp tục điều tra.
Theo tờ Tuổi Trẻ, hôm đó lực lượng tuần tra phát hiện năm tàu cá Trung Quốc đang hành nghề trên vùng biển Việt Nam. Khi đang lập biên bản thì phát hiện thêm chiếc tàu trên, bên ngoài ngụy trang bằng lưới đánh cá nhưng lại cập mạn một chiếc tàu khác để tiếp dầu. Nhìn thấy lực lượng chấp pháp Việt Nam, tàu này bỏ chạy nhưng bị truy đuổi và bắt giữ.
Tờ báo cho biết thêm, lâu nay đối với những tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, mắc các lỗi như không treo cờ, không nhật ký đánh bắt, không giấy tờ tùy thân, chứng chỉ hành nghề, không đăng kiểm thì biên phòng Việt Nam chỉ lập biên bản cảnh cáo và phóng thích ngay trên biển. Riêng chiếc tàu chở dầu này do mắc quá nhiều lỗi nên phải bắt giữ. Chỉ riêng trong hai tuần lễ cuối tháng Ba, bộ đội biên phòng đã phải xua đuổi 112 lượt tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Việt Nam.
Các báo Wall Street Journal (Mỹ) và Nikkei Asian Review (Nhật) đã đưa lại tin này, và nhận xét đây là sự kiện hiếm hoi. Các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam cũng tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin Việt Nam bắt tàu Trung Quốc xâm nhập.Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng từ chối trả lời chúng tôi. Đến nay chưa có phản ứng chính thức nào, cả từ phía Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Sức ép dư luận trước mối đe dọa Bắc Kinh
Dư luận chú ý đến lời tuyên thệ khi nhậm chức tân chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong đó có việc « bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ». Tại nghị trường Quốc Hội khóa 13 trong kỳ họp cuối lần này, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ra vấn đề Biển Đông đang căng thẳng trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Đại biểu Lê Văn Lai đòi hỏi chính phủ phải đánh giá đúng về tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp. Ông tỏ ra ngạc nhiên « trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép ngư dân… » thì tất cả các báo cáo đều cho rằng « đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia ». Đại biểu Vũ Công Tiến nêu ra « bài học nhãn tiền » là năm 1974 mất Hoàng Sa vì nhiều lý do, trong đó có việc « tin bạn mất bò ». Riêng đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã làm dậy sóng dư luận trên báo chí và mạng xã hội, khi nhắc nhở cần xác định bạn, thù ; với câu ví von « Nỏ thần chớ để sa tay giặc, Mất cả đất liền, cả biển sâu ».
Trước đó, Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 25/3 ra thông báo sẽ đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 943 ra hoạt động tại vị trí nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Người ta cũng quan tâm đến chuyến thăm Việt Nam bốn ngày từ 27 đến 31/3 của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment