"Quan chức cho con cháu định cư ở nước ngoài là tấm gương xấu cho xã hội"
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), là quan chức thì phải đòi hỏi trách nhiệm. Việc quan chức tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài làm giảm lòng tin của người dân vào họ.
Ông Dương Trung Quốc - ĐBQH tỉnh Đồng Nai trò chuyện với Infonet bên hành lang Quốc hội quanh chuyện người tài ra nước ngoài học tập không trở về nước và con cháu quan chức định cư ở nước ngoài...
- Thưa ông, ông đánh giá ra sao khi những người trẻ có cơ hội ra học tập ở nước ngoài đều muốn ở lại và ngay cả cán bộ, quan chức cũng đều tìm cách cho con cháu mình định cư ở nước ngoài?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Đối với các bạn trẻ được ra nước ngoài đào tạo, đạt tới trình độ học vấn cao, sự lựa chọn hướng nghiệp là quyền của họ.
Không nên tuyệt đối hoá, phải trở về Tổ quốc mới là yêu nước nếu như ở trong nước chưa có điều kiện thuận lợi, nhất là trong lĩnh vực họ theo đuổi. Lúc đó, lòng yêu nước được thể hiện ở mỗi con người khác nhau và cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau.
ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai): Quan chức thì phải đòi hỏi trách nhiệm. Việc quan chức tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài làm giảm lòng tin của người dân vào họ. |
Tuy nhiên, hiện tượng với những nhân vật được giới trẻ kỳ vọng mà khi có cơ hội ra học tập ở nước ngoài, nhưng họ quyết định ở lại không trở về, thì không thể không mang lại suy nghĩ nào đó cho giới trẻ, bởi với các bạn trẻ họ như là những tấm gương.
Nhưng chúng ta có thể chia sẻ và thông cảm cho sự lựa chọn của họ. Và cũng từ những câu chuyện như vậy thì cũng phải đặt ra câu hỏi nghiêm túc: Tại sao họ lại không trở về? Tại sao đất nước không thu hút được họ trở về? Câu hỏi này đặt ra với trách nhiệm ngành giáo dục, khoa học trong nước. Nếu có những điều kiện phát huy chuyên môn thì họ sẽ trở về, đương nhiên bên cạnh đó phải là sự đãi ngộ tương xứng.
- Phải chăng họ mất lòng tin, mất sự tin tưởng vào chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế... trong nước?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Mất lòng tin chỉ là một phần. Người dân mất lòng tin còn quan chức lại cho họ quyền sống khác với người dân. Như vậy không nên. Đối với những người dân có điều kiện về kinh tế thì chúng ta có thể chia sẻ với quyền riêng tư của họ, nhưng là quan chức thì phải đòi hỏi trách nhiệm. Việc quan chức tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài làm giảm lòng tin của người dân vào họ.
Hiện trạng y tế, giáo dục đúng là đang quá thấp, điều đó đúng. Trong lúc chưa khắc phục và xử lý triệt để những tồn tại của xã hội thì rất mong có sự gương mẫu, trách nhiệm của những quan chức, những người có năng lực tác động trực tiếp vào sự thay đổi của đất nước.
- Có ý kiến cho rằng, phải biến Việt Nam thành "nơi đáng sống" mới có thể kéo người tài trở về nước. Ông có đồng quan điểm này?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng, từ “đáng sống” phải nên hiểu nhiều chiều và theo ý nghĩa rộng. Vấn đề là trong nước chưa có điều kiện để họ phát huy năng lực chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học chuyên sâu, ứng dụng công nghệ cao .... Cũng phải nói thẳng, đất nước chúng ta còn quá nhiều khó khăn về vật chất, điều kiện làm việc tối thiểu cho các nhà khoa học.
Nhưng riêng chuyện cán bộ, quan chức tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài thì lại khiến tôi có suy nghĩ. Quan chức là người có trách nhiệm có năng lực, có khả năng tác động tới sự thay đổi trong nước. Nếu quan chức quan tâm tới nền giáo dục, y tế trong nước và gương mẫu trong việc để con cháu học tập trong nước thì chắc chắn những vị ấy sẽ sát dân hơn và tác động tích cực hơn vào tình hình phát triển trong nước.
Chứ mới hắt hơi sổ mũi đã chạy ra nước ngoài chữa bệnh, hay khuyến khích con cháu ở lại nước ngoài.... thì sẽ để lại tấm gương xấu cho xã hội.
Đơn cử, trong lĩnh vực y tế chúng ta có khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vậy tại sao họ không ưu tiên y tế trong nước, chữa bệnh trong nước...? Câu hỏi này nên đặt ra với các nhà lãnh đạo với tinh thần gương mẫu của mình.
Chúng ta đang chuẩn bị có bộ máy Chính phủ mới, nói hơi sớm nhưng dẫu sao tôi cho rằng những gì mới sẽ hơn cũ. Tôi kỳ vọng cùng với sự giám sát của Quốc hội và áp lực cuộc sống thì Chính phủ mới sẽ kế thừa cái tốt, phát huy cái mới, Chính phủ mới sẽ làm tốt hơn Chính phủ cũ.
No comments:
Post a Comment