“Ai chẳng muốn sống với gia đình quê hương đất nước những họ lưa chọn ở lại không quay về, tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi xã hội không sẵn sàng đón họ, dẫn đến câu chuyện chảy chảy máu chất xám. Đây là điều rất đáng lo ngại” – TS Khuất Thu Hồng nói.
TS Khuất Thu Hồng "những người đi được hoặc muốn đi định cư ở nước ngoài chỉ tập trung nhiều ở những người có khả năng về kinh tế"
Phải có tiền mới định cư được ở nước ngoài
Theo TS Khuất Thu Hồng, tình trạng công dân của một nước này chuyển đến làm ăn, sinh sống ở một nước khác là hiện tượng di dân thông thường và vẫn xảy ra khá phổ biến. Trên thế giới việc người ở nước này muốn sinh sống ở nước khác là chuyện bình thường không có gì mới nhưng nếu thành như là một xu hướng (nhìn các công ty luật lượng khách hàng nhiều lên khi họ quảng cáo thu xếp cho những người được định cư ở nước ngoài nhiều lên…) chứng tỏ nhu cầu của xã hội tăng lên.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, TS Hồng cho rằng: việc định cư theo nước ngoài theo hình thức tự nguyện, hợp pháp không phải ai muốn cũng đi được, điều này không dễ. Phải có tiền mới đi được, không có tiền chắc chắn không thể đi. Do đó những người đi được hoặc muốn đi chỉ tập trung nhiều ở những người có khả năng về kinh tế, tất nhiên cả những yếu tố khác nữa.
“Điều này đặt ra câu hỏi tại sao họ lại muốn đi? Phải chăng Việt Nam không đáng sống, có điều gì khiến họ không hài lòng? Những cái gì Việt Nam thiếu mà những nước kia đáp ứng được cho họ để họ thấy đi thì tốt hơn… và có thể còn nhiều câu hỏi khác nữa” – TS Hồng nhấn mạnh.
Theo TS Hồng thì đó là những điều mà chúng ta phải suy nghĩ kể cả những người lãnh đạo và người dân. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với những vấn đề cơ bản của xã hội: Người dân khổ sở khi đi bệnh viện, học sinh – sinh viên thì vật vã với những chương trình học nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành khiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp lên tới trên 70%; trong khi đại bộ phận công chức, viên chức trẻ ở thành phố phải đi thuê nhà, giấc mơ có một nơi để ở, có nhà giá rẻ để thuê ...xa vời vợi.  “Có lẽ là chúng ta sẽ phải có những cải thiện những dịch vụ đó” – TS Hồng nhấn mạnh.
Ngoài đối tượng tự nguyện định cư ở nước ngoài thì một lượng lớn khác đó là những du học sinh một đi không trở lại. Giải thích hiện tượng này, TS Hồng cho biết, môi trường sử dụng con người ở Việt Nam rất có vấn đề.
 “Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao lại như vậy? Phải chăng môi trường sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản của chúng ta đang có vấn đề?  Ai chẳng muốn sống với gia đình quê hương đất nước những họ lưa chọn ở lại không quay về, tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi xã hội Việt Nam đang không tốt đẹp, không sẵn sàng đón họ, dẫn đến câu chuyện chảy chảy máu chất xám. Một số ít du học sinh có được học bổng, còn lại đại đa số  bỏ tiền túi. Như vậy, rõ ràng chúng ta vừa mất tiền lại vừa mất chất xám, đây là điều rất đáng lo ngại” – TS Hồng nhấn mạnh.
Số người Việt Nam ra nước ngoài định cư ngày càng đông
Theo số liệu thống kê của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, có khoảng 3,4 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cư trú ở gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu ở 21 nước thuộc các khu vực: Bắc Mỹ, Tây Bắc Âu, Nga và Đông Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Úc.
Trong số này có khoảng 80% người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (1,5 triệu người), Pháp (300.000 người), Canada (250.000 người), Úc (245.000người). Ở các nước Đông Âu (Nga), các nước châu Á (Campuchia, Thái Lan) mỗi nước có khoảng 100.000 người Việt làm ăn, sinh sống. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, đặc biệt là từ những năm 2000, số người Việt Nam ra nước ngoài định cư ngày càng đông.
Trước đó tại buổi thảo luận về kinh tế xã hội trong kỳ họp thứ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra hôm 1-4, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt lên nghị trường một câu hỏi: Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?.
Sau đó, chính vị đại biểu này đã trả lời rằng không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết.
Theo vị đại biểu này, thì “phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”.
N. Huyền