Theo AP, Trung Quốc đang hành xử rất lỗ mãng khiến hầu hết láng giềng từ Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đến Nhật Bản, Australia cảm thấy bất bình và lo ngại. Họ đã bắt đầu chung tay ngăn Bắc Kinh độc chiếm, lộng hành trên Biển Đông.
Gần đây, các nước láng giềng đã có những động thái cụ thể hơn trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo Đài phát thanh tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), tại cuộc họp báo ở Manila hôm 14/4 với người đồng cấp Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, quân đội Mỹ đã bắt đầu tuần tra cùng Philippines trên Biển Đông. Ông cho biết, cuộc tuần tra chung đầu tiên đã diễn ra hồi tháng Ba, cuộc thứ hai đã được hoàn thành đầu tháng Tư.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay: "Các chuyên gia hoạch định của chúng tôi đang kiểm tra cách thức khiến các cuộc tuần tra như vậy thành  một phần trong các hoạt động thường kỳ".
Mỹ và Philippines đã bắt đầu tuần tra chung trên Biển Đông. Ảnh minh họa.
Theo ông Carter, lực lượng Philippines và Mỹ cũng sẽ tiến hành các hoạt động bay trong khu vực, bao gồm cả Biển Đông, đặt nền móng cho tuần tra chung trên không nhằm bổ sung vào các hoạt động tuần tra hàng hải đang diễn ra.

Mỹ đã để lại một đội máy bay cùng 200 phi công sau cuộc tập trận chung Balikatan tại căn cứ không quân Clark của Philippines để thực hiện các hoạt động trên không này. Đội máy bay bao gồm 5 máy bay A-10 Thunderbolt, 3 máy bay trực thăng H60G Pave Hawk và một máy bay MC-130H Combat Talon.
Trong khi đó, theo Reuters, Việt Nam và Philippines cũng vừa bắt đầu bàn bạc về kế hoạch tuần tra hải quân chung trên Biển Đông.
Reuters dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao cho hay: "Đây là những cuộc thảo luận ban đầu. Sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa nhưng chúng tôi đều muốn hướng tới bước tiếp theo".
The Diplomat đánh giá, đề xuất tuần tra, tập trận chung giữa Việt Nam – Philippines không có gì lạ. Đó là kết quả của mối quan hệ song phương đang phát triển giữa hai nước.
Chi tiêu quân sự trong khu vực đang tăng mạnh. Trang National Interest của Mỹ cho hay, theo thống kê gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng ở châu Á và châu Đại Dương tăng 5,4% trong năm 2015, mức cao hơn nhiều so với mức tăng 1% của toàn cầu. Mặc dù con số này bao gồm cả chi tiêu quốc phòng “mạnh tay” từ Bắc Kinh, nhưng nó cũng là con số phản ảnh các hoạt động tăng cường quân sự của các nước láng giềng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Các binh sĩ Mỹ và Philippines trong lễ khai mạc cuộc tập trận chung Balikatan tại Manila hôm 4/4/2016.
Không chỉ những nước liên quan trong các tranh chấp ở Biển Đông, những nước có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông như Nhật Bản và Australia cũng đang có nhiều động thái để ngăn chặn hành động quá trớn của Bắc Kinh có trong khu vực.
Nhật Bản gần đây đã sửa đổi hiến pháp nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ. Ngoài ra, Tokyo cũng vừa tham gia vào cuộc tập trận chung quy mô lớn hàng năm giữa Mỹ và Philippines.
Trong khi đó, hồi tháng 2/2016, Sách trắng Quốc phòng của Australia cho thấy nước này sẽ tăng ngân sách lên gần 23 tỷ USD trong 10 năm tới và nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng đối với các diễn biến trên Biển Đông. Nước này cũng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn, quân sự hóa Biển Đông.
Hồi tháng 3/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tuyên bố tiếp tục đưa chiến hạm, máy bay tuần tra tới những khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Australia đã khởi động hoạt động tuần tra này từ năm 2015.
Các quan chức Mỹ và Philippines trong lễ khai mạc cuộc tập trận chung Balikatan tại Manila hôm 4/4/2016.
Những hành động của Trung Quốc không chỉ gây lo ngại cho các nước láng giềng. Hôm 10/4, tại hội nghị G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Ngoại trưởng các nước G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu đã đưa ra tuyên bố chung về việc họ phản đối “bất kỳ hành vi đơn phương khiêu khích, cưỡng ép và đe dọa nào có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Dù chính là bên đã gây căng thẳng trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng đổ lỗi cho các nước láng giềng và Mỹ. Hôm 15/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã phát ngôn hết sức phi lý: "Các hành động của Mỹ và Philippines đang làm xấu đi mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, gây xung đột trong khu vực, làm trầm trọng thêm những căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Bộ Quốc phòng nước này yêu cầu Mỹ và Philippines không được làm ảnh hưởng quyền lợi của các quốc gia khác khi tiến hành các hoạt động hợp tác quân sự, trong khi chính Bắc Kinh mới là bên đang gia tăng dùng vũ lực, quân sự hóa Biển Đông.
Gần đây nhất, hôm 17/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên điều một máy bay quân sự ra đảo đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với lý do là để đón 3 công nhân xây dựng bị ốm.
Vài ngày trước đó, Trung Quốc cũng vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, Trung Quốc còn gây hấn với cả Malaysia và Indonesia.
Hôm 24/3, Bộ trưởng An ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim tố cáo 100 tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển của Malaysia gần cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông.
Hôm 20/3, Indonesia tố tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc dùng vũ lực để ngăn Lực lượng Giám sát Thủy sản và Hàng hải nước này bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna.
PHẠM KHÁNH (Tổng hợp)