TQ đừng mong phớt lờ phán quyết quốc tế về Biển Đông
Hôm 20/4, tạp chí Chính sách đối ngoại (FP) của Mỹ cho rằng, dù đang tìm cách trốn tránh nhưng Trung Quốc đừng mong phớt lờ được phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về đường 9 đoạn vô lối mà nước này tự vẽ ra trên Biển Đông.
Theo FP, PCA gồm 5 chuyên gia, đang xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), sắp đưa ra phán quyết cuối cùng. Mặc dù tòa án sẽ không quyết định về chủ quyền lãnh thổ và biên giới trên biển nhưng có thể sẽ xác định được việc Trung Quốc không có cơ sở pháp lý khi vẽ ra đường 9 đoạn nhằm hầu hết diện tích Biển Đông.
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong buổi khai mạc tập trận chung Balikatan tại Manila hồi đầu tháng 4/2016. |
Ông Jerome A. Cohen, giáo sư tại Đại học Luật New York đồng thời là một thành viên cấp cao chuyên về châu Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nhận định, nếu bác bỏ hay không tuân thủ phán quyết của tòa án, Bắc Kinh sẽ gây tổn hại tới UNCLOS, một công ước mà nước này đã thông qua và đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán.
Hơn nữa, hành động ngang ngược như vậy cũng sẽ phá hủy lợi ích riêng của Trung Quốc bằng cách khắc họa sâu sắc hơn nữa hình ảnh của một quốc gia không tuân thủ nguyên tắc quốc tế - một hình ảnh vốn đang lớn dần bởi những hành động hung hăng liên tiếp với các nước láng giềng và xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Dù vậy, theo ông Jerome, Trung Quốc sẽ không dễ phớt lờ được các phán quyền của tòa án và im lặng.
Trung Quốc liên tiếp hành động hung hăng với các nước láng giềng. |
Một số chuyên gia dự đoán, Bắc Kinh có thể sẽ phản đối phán quyết bất lợi cho mình bằng cách rút khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, dù có hành động như vậy đi chăng nữa Trung Quốc vẫn có nghĩa vụ phải tuân thủ quyết định của PCA bởi việc rút khỏi UNCLOS chỉ có hiệu lực sau 1 năm đưa ra thông báo. Hơn nữa, một phản ứng cực đoan như vậy đối với phán quyết từ một tòa án của cộng đồng quốc tế sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho danh tiếng của Bắc Kinh.
Theo FP, gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài là "một sự khiêu khích chính trị trong vỏ bọc của pháp luật”. Đồng thời nước này cũng liên tục có những phát ngôn chính thức và không chính thức về việc sẽ không chấp hành phán quyết. Những hành động đó sẽ chỉ tiếp tục làm tổn hại tới cái gọi là “quyền lực mềm” của Bắc Kinh.
Nếu phủ nhận các phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông, Trung Quốc sẽ đổ xuống biển tất cả những nỗ lực hơn một thập kỉ qua nhằm thuyết phục thế giới rằng nước này đang trỗi dậy hòa bình. Hơn nữa, sẽ chẳng còn ai tin vào những giọng điệu kiểu như Trung Quốc là một cường quốc có tránh nhiệm, luôn tôn trọng pháp luật.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tại Manila hôm 10/7/2015. |
Theo ông Jerome, sẽ không chỉ tốt cho nền hòa bình châu Á mà còn cho chính Trung Quốc nếu nước này chấp nhận phán quyết của PCA và coi đó là cơ sở của các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm những thỏa thuận hợp lý.
Trung Quốc nên học hỏi Ấn Độ trong vụ kết thúc tranh chấp biển với Bangladesh. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho thấy điều một quốc gia lớn nên làm dù có tranh chấp với nước láng giềng nhỏ hơn. Năm 2014, Ấn Độ đã chấp nhận một phán quyết không có lợi cho New Dehli từ PCA trong vụ kiện với Bangladesh dựa theo nguyên tắc UNCLOS. Bằng cách tuân thủ phán quyết đó, hai nước đã dễ dàng giải quyết các tranh chấp. Ông Modi còn ca ngợi phán quyết đã tạo cơ sở cho việc hợp tác giữa hai nước trong tương lai.Dù Trung Quốc đang rất “cứng đầu”, nhưng ông Jerome cho rằng, vẫn có thể hy vọng Trung Quốc buộc phải hành động đúng luật pháp quốc tế khi các quốc gia có liên quan của châu Á và Mỹ tái cam kết thực hiện các nguyên tắc UNCLOS, đồng thời các cường quốc khác gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh.
Theo ông Jerome, nếu phán quyết về của PCA không thể khiến Trung Quốc từ bỏ “đường 9 đoạn” vô lối trên Biển Đông, thì Nhật Bản, với tư cách là thành viên của UNCLOS, cũng có thể tự đưa ra một quy trình giải quyết tranh chấp ép buộc đối với Trung Quốc về Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực. Điều này vẫn có thể xảy ra dù Nhật Bản không phải là một quốc gia ven Biển Đông.
Không chỉ ở Biển Đông, hôm 16/3, đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe đã tuyên bố nếu các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Tokyo về những tranh chấp ở biển Hoa Đông không có kết quả, Nhật Bản có thể sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Ông Jerome khẳng định, với sức ép từ cộng đồng quốc tế và sự thật Trung Quốc đang quá tham lam và vô lý trên Biển Đông, nước này sẽ không thể bỏ qua phán quyết của PCA dù tìm cách trốn tránh nào đi chăng nữa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.
No comments:
Post a Comment