Chuyên mục / Tranh chấp Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm hàng không mẫu hạm ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (mặc áo sơ-mi xanh, ở giữa) xem phi cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis ở Biển Đông ngày 15/4/2016.
15.04.2016
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã thăm hàng không mẫu hạm Mỹ USS John C. Stennis đi ngang qua Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp gay gắt. Đây là lần thứ hai ông thực hiện một chuyến thăm như vậy kể từ tháng 11 năm ngoái.
Chuyến thăm của ông có mục đích nhấn mạnh vào cam kết của Mỹ đối với an ninh ở khu vực, nơi Trung Quốc đang có xung đột với Việt Nam, Philippines và một số nước khác vì tranh chấp chủ quyền.
Hôm 15/4, phát biểu tại lễ bế mạc cuộc thao dượt quân sự chung với Philippines, ông Carter nói về tầm quan trọng của an ninh ở Biển Đông.
“Về khu vực này, người ta nói an ninh giống như ôxy, nếu chúng ta có đủ, không ai quan tâm cả. Nhưng khi không có đủ, chúng ta sẽ không thể nghĩ về điều gì khác. Tại châu Á-Thái Bình Dương này, thông qua các cuộc thao dượt như Balikatan và các hoạt động thực tế, tất các các bạn - người Mỹ và Philippines, binh sỹ, thủy thủ, phi công và thủy quân lục chiến - là người cung cấp nguồn ôxy đó”.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Carter cũng nói “Với mỗi cuộc Balikatan, mỗi chuyến tuần dương của tàu Stennis, và mỗi hiệp định quốc phòng mới, chúng ta lại tăng cường thêm cho mạng lưới an ninh của khu vực”. Ông nói thêm rằng “Đây là mạng lưới hòa bình, có nguyên tác và bao trùm, là điều Mỹ ủng hộ và sát cánh cùng”.
Trung Quốc đã phản đối chuyến thăm, nói rằng Mỹ có cách tiếp cận thiên vị các đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây nói rằng các kế hoạch tăng cường quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines công bố hôm 14/4, bao gồm cả việc tuần tra chung ở Biển Đông, thể hiện “não trạng Chiến tranh Lạnh”.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và đã ráo riết cải tạo các bãi cạn, bãi đá thành đảo nhân tạo ở các điểm mà Việt Nam và một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Trước đó hôm 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói chiến lược của Mỹ là nhằm duy trì hòa bình và giải quyết đúng luật các tranh chấp, không khiêu khích xung đột với một cường quốc trên thế giới. Ông nói: “Những nước nào không ủng hộ, không sát cánh vì những điều đó kết cục sẽ tự cô lập mình. Đó là sự tự cô lập, không phải chúng tôi cô lập họ”.
Theo Business Insider, Reuters.
No comments:
Post a Comment